Xây dựng thị xã Hoài Nhơn hướng đến thành phố

Tháng 1.2024, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Hoài Nhơn chính thức có hiệu lực. Ðây là cơ sở quan trọng để TX Hoài Nhơn quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị và lập quy hoạch xây dựng một cách đồng bộ, xây dựng bản sắc đô thị Hoài Nhơn hướng đến phát triển lên thành phố.

Theo UBND TX Hoài Nhơn, quy chế quản lý kiến trúc đô thị không chỉ được triển khai áp dụng cho 11 phường mà còn thực hiện cho các xã trên địa bàn Hoài Nhơn để tạo sự đồng bộ và đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị.

Xác định 4 không gian trung tâm và vùng phát triển đô thị mới

Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn cho hay, quy chế định hướng kiến trúc, không gian cảnh quan của đô thị Hoài Nhơn được xác định rõ. Trong đó, kiến trúc công trình phải thể hiện phong cách hiện đại phù hợp đặc điểm khí hậu và cảnh quan khu vực. Các yếu tố kiến trúc truyền thống dân tộc và khu vực cần được kết hợp có chọn lọc, mang tính đặc trưng riêng của đô thị. Xây dựng bản sắc đô thị Hoài Nhơn hướng đến thành phố trong tương lai.

Theo đó, đô thị Hoài Nhơn có 4 không gian trung tâm. Trung tâm Bồng Sơn (các phường Bồng Sơn, Hoài Xuân, Hoài Tân, Hoài Đức) là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, thương mại dịch vụ kết hợp với du lịch của đô thị Hoài Nhơn. Trung tâm Tam Quan (các phường Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo) là trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển, neo đậu tàu thuyền, dịch vụ du lịch… Trung tâm Hoài Thanh Tây là trung tâm văn hóa, lịch sử kết hợp với du lịch văn hóa và khu ở mới. Trung tâm Hoài Hương là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch và khu ở mới.

Trung tâm phường Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn

Vùng hiện hữu của đô thị Hoài Nhơn là khu vực nội thị các phường Bồng Sơn, Hoài Xuân, Hoài Tân, Hoài Đức, Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo, Hoài Thanh Tây, Hoài Hương, Hoài Thanh được định hướng cải tạo, bảo tồn, chỉnh trang mỹ quan đô thị, tăng cường các tiện ích công cộng đồng thời kết hợp với hoạt động du lịch.

Riêng vùng phát triển đô thị mới, Hoài Nhơn xác định gồm 5 khu vực phát triển dọc sông Lại Giang (thuộc các phường Bồng Sơn, Hoài Đức, Hoài Xuân); dọc QL 1 (thuộc các phường Hoài Đức, Hoài Tân, Hoài Thanh Tây, Tam Quan, Tam Quan Bắc); dọc Sông Cạn; khu dịch vụ, dân cư dọc biển; các khu đô thị mới dọc đường kết nối ĐT 638  –  QL 1 – ĐT 639.

Trong đó, kiến trúc khu vực dọc biển yêu cầu sự linh hoạt, hiện đại, phù hợp với không gian chung; khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình hỗn hợp giáp biển mang tính chất phục vụ du lịch. Kiến trúc trên trục đường dọc sông suối, bàu được nhấn mạnh với hành lang cây xanh dọc theo các sông suối hiện hữu; thiết kế các tiện ích đô thị, ưu tiên xây dựng các ki ốt có diện tích nhỏ (di động) phục vụ người dân và du khách, xây dựng công trình vệ sinh công cộng ngầm hoặc bán ngầm; xây dựng công trình thương mại, dịch vụ, khách sạn cao tầng, nhà ở liên kế trung bình 2 – 5 tầng.

Mỗi tuyến đường chỉ trồng một loại cây xanh

Đáng chú ý, kiến trúc trên các trục đường chính như Quang Trung (đi qua địa bàn các phường: Hoài Đức, Bồng Sơn, Hoài Tân, Hoài Thanh Tây, Hoài Hảo, Tam Quan, Tam Quan Bắc), Lê Lợi (phường Bồng Sơn), Nguyễn Văn Linh (đi qua địa bàn phường Hoài Đức, Bồng Sơn, Hoài Tân), Bà Triệu (đi qua địa bàn các phường Hoài Thanh Tây, Hoài Thanh, Hoài Hương), Võ Nguyên Giáp (đi qua địa bàn các phường Hoài Hương, Hoài Thanh, Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc), sẽ ưu tiên xây dựng các công trình kiến trúc cao tầng, hiện đại, kết hợp thương mại, dịch vụ. Riêng kiến trúc trên các trục đường mới như đường kết nối ĐT 638 – QL 1 – ĐT 639, đường Lê Duẩn xác định hiện đại tại các khu vực gần các nút giao thông tạo điểm nhấn cho các không gian đô thị mới…

Đặc biệt, Hoài Nhơn còn đưa ra các quy định đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù. Một số hình thái không gian kiến trúc đô thị với đặc điểm nổi bật, có giá trị về không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, phản ánh quá trình lịch sử phát triển KT-XH, kiến trúc theo từng thời góp phần tạo nên bản sắc riêng.

Đối với không gian ven biển đoạn từ phường Tam Quan Bắc đến phường Hoài Hương, thực hiện theo quy định quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch. Các dự án và công trình xây dựng phải tôn trọng, giữ gìn, bảo vệ và phát huy đặc trưng, khai thác các yếu tố cảnh quan tại khu vực bờ biển, bảo đảm cho cộng đồng tiếp cận bờ biển và cảnh quan biển thuận lợi.

Khu vực cảnh quan ven sông, suối, bàu, hồ phải tổ chức dải cây xanh từ 5 m đối với khu vực hiện hữu, cải tạo chỉnh trang; dải cây xanh từ 15 – 30 m đối với các khu vực phát triển mới để tổ chức các không gian công cộng phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, phát triển các hình thức du lịch, dịch vụ trên sông Lại Giang…

Ông Lê Đăng Tuấn cho hay, chúng tôi cũng đưa vào quy chế quy định kiến trúc công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đặc biệt là hệ thống cây xanh đường phố, xác định danh mục cây trồng mới cho mỗi tuyến đường chỉ trồng một loại cây xanh bóng mát tạo thành chuỗi, hệ thống cây xanh liên tục, hoàn chỉnh. Các loại cây xanh hiện hữu được giữ nguyên, nếu không phù hợp sẽ từng bước trồng thay thế. Cấm tùy tiện trồng các loại cây tạp không có trong danh mục quy hoạch cây trồng và nghiêm cấm người dân tự ý trồng, đặt các chậu cây xanh, rau trên vỉa hè dưới mọi hình thức.

Theo Mai Hoàng – Báo Bình Định

TIN TỨC KHÁC