Ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định tại Quyết định số 82/2023/QĐ-UBND ngày 18/12/2023 với các nội dung chính như sau:

1. Tên quy chế:

Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

2. Mục tiêu:

  • Quy chế quản lý kiến trúc đô thị để quản lý, thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt và thực hiện việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, phù hợp với bản sắc văn hóa địa phương trong kiến trúc đô thị.
  • Là một trong những căn cứ để lập đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị riêng và cấp giấy phép xây dựng; Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý kiến trúc của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị liên quan.
  • Làm cơ sở để lập kế hoạch triển khai thực hiện thiết kế đô thị riêng, chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan các khu dân cư hiện hữu; lập danh mục các dự án cải tạo đô thị để đầu tư xây dựng và quản lý kiến trúc.

3. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

  • Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiến trúc và xây dựng công trình kiến trúc trên địa bàn đô thị Hoài Nhơn.
  • Phạm vi áp dụng: Quy chế này quy định quản lý kiến trúc đô thị trên địa bàn đô thị Hoài Nhơn, bao gồm 11 phường: Bồng Sơn, Hoài Đức, Hoài Xuân, Hoài Tân, Hoài Thanh Tây, Hoài Hảo, Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Thanh, Hoài Hương.

4. Nội dung chính của Quy chế:

Quy chế gồm 04 Chương, 17 Điều, cụ thể như sau:
a) Chương I: Quy định chung, gồm:
– Điều 1. Mục tiêu;
– Điều 2. Đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng;
– Điều 3. Giải thích từ ngữ;
– Điều 4. Nguyên tắc quản lý kiến trúc trong đô thị;
– Điều 5. Công trình phải tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc.
b) Chương II: Quản lý kiến trúc, không gian cảnh quan, gồm:
– Điều 6. Định hướng kiến trúc, không gian cảnh quan;
– Điều 7. Yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc;
– Điều 8. Quy định đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù;
– Điều 9. Quy định đối với kiến trúc các loại hình công trình;
– Điều 10. Quy định đối với kiến trúc công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị;
– Điều 11. Các yêu cầu khác.
c) Chương III: Quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị, gồm:
– Điều 12. Các quy định quản lý các công trình đã được xếp hạng theo pháp luật về Di sản văn hóa;
– Điều 13. Các quy định quản lý công trình thuộc Danh mục kiến trúc có giá trị.
d) Chương IV: Tổ chức thực hiện, gồm:
– Điều 14. Tổ chức thực hiện Quy chế;
– Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc;
– Điều 16. Kiểm tra, thanh tra, báo cáo và xử lý vi phạm;
– Điều 17. Điều chỉnh, bổ sung Quy chế.

5. Các yêu cầu về nội dung quy chế:

a) Yêu cầu về quản lý kiến trúc:
– Bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc;
– Bảo đảm an toàn cho con người, công trình kiến trúc và khu vực tập trung dân cư trước tác động bất lợi do thiên nhiên hoặc con người gây ra;
– Không tác động tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử – văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị và môi trường sinh thái;
– Bảo đảm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
b) Yêu cầu đối với kiến trúc đô thị:
– Hài hòa với không gian, kiến trúc, cảnh quan chung của khu vực xây dựng công trình kiến trúc; gắn kết kiến trúc khu hiện hữu, khu phát triển mới, khu bảo tồn, khu vực giáp ranh đô thị và nông thôn, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên;
– Sử dụng màu sắc, vật liệu, trang trí mặt ngoài của công trình kiến trúc phải bảo đảm mỹ quan, không tác động xấu tới thị giác, sức khỏe con người, môi trường và an toàn giao thông;
– Kiến trúc nhà ở phải kết hợp hài hòa giữa cải tạo với xây dựng mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu, gắn công trình nhà ở riêng lẻ với tổng thể kiến trúc của khu vực;
– Công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị trên tuyến phố phải bảo đảm yêu cầu thẩm mỹ, công năng sử dụng, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông;
– Hệ thống biển báo, quảng cáo, chiếu sáng, trang trí đô thị phải tuân thủ quy chuẩn, quy hoạch quảng cáo ngoài trời, phù hợp với kiến trúc chung của khu đô thị;
– Công trình tượng đài, điêu khắc, phù điêu, đài phun nước và các công trình trang trí khác phải được thiết kế phù hợp với cảnh quan, đáp ứng yêu cầu sử dụng và thẩm mỹ nơi công cộng;
– Công trình giao thông phải được thiết kế đồng bộ, bảo đảm yêu cầu sử dụng, thẩm mỹ và tính chất của đô thị.
c) Yêu cầu về thiết kế kiến trúc:
Thiết kế kiến trúc phải tích hợp giải pháp kiến trúc với quy hoạch; phải xem xét toàn diện các yêu cầu về kinh tế – xã hội, công năng, kỹ thuật, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bản sắc văn hóa dân tộc và các yêu cầu khác đối với công trình; bảo đảm người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dễ dàng tiếp cận sử dụng; bảo đảm bình đẳng giới.
Theo https://sxd.binhdinh.gov.vn/

TIN TỨC KHÁC