Khơi dậy tiềm năng du lịch phía Bắc tỉnh Bình Định

Sở hữu tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão và TX Hoài Nhơn đang dồn sức kêu gọi đầu tư, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, dần trở thành điểm đến ấn tượng với du khách.

Nhìn tổng thể, 4 địa phương khu vực phía Bắc tỉnh có địa hình và cảnh quan tự nhiên phong phú, môi trường và hệ sinh thái nguyên sơ. Ở đây có sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên như biển, núi, đầm, rừng… lẫn sự đa dạng về văn hóa: Văn hóa miền biển, miền núi, làng nghề, các di tích văn hóa lịch sử. Tất cả những yếu tố trên cùng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tốt là điều kiện thích hợp để xây dựng được nhiều mô hình phát triển du lịch.

TÀI NGUYÊN DU LỊCH ĐA DẠNG

TX Hoài Nhơn có đường bờ biển trải dài cùng nhiều thắng cảnh nằm ở những địa thế kỳ vĩ như: Lộ Diêu (Hoài Mỹ), Bãi Con (Hoài Hải), La Vuông (Hoài Sơn)… có thể xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, Hoài Nhơn cũng có nhiều làng nghề truyền thống, phù hợp cho phát triển du lịch. Về du lịch văn hóa lịch sử, trên địa bàn thị xã có các điểm đến như: Di tích cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương; Di tích bãi biển Lộ Diêu – nơi cập bến Tàu Không số…

Ảnh: Zing

Cũng có nhiều bãi biển đẹp, huyện Phù Mỹ đang từng bước khai thác sản phẩm du lịch biển đảo từ Hà Ra (Mỹ Đức) tới Đề Gi (Mỹ Thành), gắn với tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục, tập quán của ngư dân, đặc biệt là làng chài Tân Phụng. Ở những vùng biển còn nguyên sơ, huyện còn định hướng phát triển loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm (leo núi, cắm trại, câu cá, mực, lặn ngắm san hô, lặn bắt ốc, cá….). Bước đầu, việc phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm trên đầm Trà Ổ, tham quan và sử dụng sản phẩm của làng bí đao khổng lồ ở Mỹ Thọ… đã thu được nhiều kết quả khả quan.

Huyện An Lão được thiên nhiên ưu ái nhiều nguồn tài nguyên, tiềm năng để phát triển du lịch. Đặc biệt phải nói đến vẻ đẹp của xã vùng cao An Toàn, nơi được ví là “cổng trời” của Bình Định, với độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển. Trực tiếp tham gia dự án bảo tồn đa dạng sinh học tại xã An Toàn (An Lão), TS Lưu Hồng Trường, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam (thuộc Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khẳng định tại nước ta không có nơi nào tính đa dạng sinh học phong phú và đặc biệt như An Toàn. “Chính vì những giá trị hiện hữu cực kỳ quý giá ở khu vực này mà chúng tôi dồn rất nhiều tâm huyết để thực hiện dự án. Không chỉ mang ý nghĩa về mặt bảo tồn, nếu biết cách khai thác, nơi đây sẽ là điểm thu hút khách du lịch cực tốt”, TS Lưu Hồng Trường chia sẻ.

Ngoài ra, hệ thống sông, suối, hồ đẹp tự nhiên như: Thủy điện Sông Vố (thị trấn An Lão), thác Đá Ghe, thác Long Vo (xã An Hưng), hồ Hưng Long (xã An Hòa), thác Bốn Tầng (xã An Quang), thác R’rê, thác Rông (xã An Vinh)… có thể đem đến những trải nghiệm thú vị cho du khách yêu thích khám phá thiên nhiên. Công trình hồ chứa nước Đồng Mít vừa hoàn thành, đã được tích đầy nước tạo phong cảnh đẹp, góp thêm điểm đến du lịch hấp dẫn của huyện An Lão.

Với định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch, huyện Hoài Ân xây dựng nhiều trang trại, gia trại, hình thành các thương hiệu lớn như: Chè Gò Loi, bưởi da xanh… Huyện định hướng lấy du lịch nông nghiệp làm mũi nhọn, du lịch văn hóa – lịch sử làm nền tảng cơ sở để phát triển, du lịch ẩm thực, du lịch trải nghiệm là sản phẩm bổ sung.

NHIỀU LỢI THẾ ĐỂ PHÁT TRIỂN

Hiện nay, tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang triển khai thực hiện, khi hoàn thành sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ TP Quy Nhơn hoặc sân bay Phù Cát đến các địa phương khu vực phía Bắc tỉnh. Bên cạnh đó, các tuyến ĐT 629, ĐT 639 đã được nâng cấp, mở rộng…; các tuyến đường đến khu, điểm du lịch, c ác trục đường ngang nối QL 1 với các tuyến đường phía Đông và Tây tỉnh được quy hoạch đầu tư, nâng cấp. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để kết nối đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo và hấp dẫn ở khu vực các huyện phía Bắc tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Đinh Văn Phú cho biết: Chúng tôi xác định tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển của KT-XH huyện, định hướng đưa du lịch huyện An Lão thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Do đó, bên cạnh sự đầu tư của tỉnh về cơ sở hạ tầng, chúng tôi cũng tăng cường kêu gọi các DN, nhà đầu tư có tiềm lực tài chính đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng… phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển du lịch của huyện, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong thời gian tới.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, các địa phương khu vực phía Bắc tỉnh Bình Định trong thời gian tới cần phải khoanh vùng, định danh, định hình các khu, điểm du lịch của 4 địa phương. Trong đó cần quan tâm đặt tên khu, điểm du lịch và giới thiệu tiềm năng du lịch của mình để định vị được điểm đến trong bản đồ du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng mối liên kết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quảng bá xúc tiến du lịch. Đây là chìa khóa để mở ra dòng khách và dòng nhà đầu tư đến với địa phương. Trước mắt, các địa phương nên tạo ra cơ hội cho mình bằng cách chuẩn bị kỹ nguồn nhân lực ngành du lịch.

Với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng nhưng hầu như chưa được khai thác, các địa phương khu vực phía Bắc tỉnh có nhiều lợi thế phát triển du lịch, vì vậy, rất cần có những ý tưởng, kế hoạch mang tầm chiến lược để sớm biến tiềm năng thành điểm đến thu hút du khách.

 Theo Hoàng Quân – Báo Bình Định

TIN TỨC KHÁC