Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ sớm tại dự án cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn

Do tính chất đặc biệt quan trọng của dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, tại địa bàn tỉnh Bình Định, ngay sau khi chính thức khởi công (ngày 1.1.2023), Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn tập trung triển khai thi công đồng loạt nhiều hạng mục của dự án tại TX Hoài Nhơn, các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ.

Trên công trường thi công cao tốc Bắc – Nam tại thôn An Hội, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, công nhân của Ban điều hành 5, thuộc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (nhà thầu xây dựng dự án thành phần Hoài Nhơn – Quy Nhơn) đang khẩn trương làm việc.

Tổng chiều dài tuyến đường Ban điều hành 5 thi công là 23,5 km. Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) đã bàn giao mặt bằng cho Ban điều hành 5 được 16,45 km, đạt 70%, nhưng qua kiểm đếm, rà soát chỉ có 11,28 km, đạt 48% mặt bằng đủ điều kiện thi công. Hiện nay, Ban điều hành 5 đã triển khai 7 mũi thi công, 80 đầu máy thiết bị và hơn 400 công nhân, cán bộ kỹ thuật, tiến hành phát quang, dọn dẹp mặt bằng, bóc hữu cơ các đoạn tuyến mặt bằng được bàn giao. Trong đó, 3 mũi thi công cầu được triển khai tại các vị trí: Km 0 – km 4 (phường Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn), km 4+500- km 10+100 (huyện Hoài Ân), km 14+300 – km 23+500 (huyện Hoài Ân – Phù Mỹ), 4 mũi còn lại đang thi công bóc hữu cơ các đoạn tuyến đã được bàn giao.

Để điều hành thi công, giám sát hiện trường liên tục, Ban điều hành 5 thành lập 5 văn phòng, trong đó có văn phòng chính tại xã Ân Phong (Hoài Ân) và 4 văn phòng khác tại xã Ân Mỹ, xã Ân Phong, thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) và xã Mỹ Trinh (Phù Mỹ).

Trao đổi với phóng viên ngay tại công trường, ông Hồ Sỹ Biên, Phó Giám đốc Ban điều hành 5, cho biết: Đến nay, do một số hộ chưa thể bàn giao mặt bằng vì họ chưa được tái định cư, một số điểm vướng diện tích đất rừng chưa chuyển đổi xong nên chúng tôi gặp một số khó khăn trong thi công. Cụ thể: Đường găng của gói thầu tại km 18+650 – km 20+970 đi qua rừng tự nhiên, nơi dự án chỉ định lấy vật liệu tận dụng để đắp nền, sản xuất đá làm móng đường, sản xuất vật liệu dạng hạt. Nhưng vì rừng chưa chuyển đổi mục đích nên chúng tôi chưa thể làm gì. 9 vị trí do Ban Quản lý dự án 85 đề xuất làm nơi đổ thải đều không khả thi, đây là ruộng lúa – chỉ cho phép đổ đất hữu cơ, không lẫn cỏ rác, rễ cây. Trong khi đó, những thứ đem đến đổ thải từ gói thầu này đều là hỗn hợp đất đá, nếu đổ ở đây thì Ban Quản lý dự án 85 phải làm việc với chính quyền địa phương, chủ đất để thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ngược lại sẽ là cố ý làm trái. Ngoài ra, ở huyện Hoài Ân chúng tôi cũng bị vướng một đoạn ngắn với lý do tương tự – đất rừng nhưng chưa có quyết định chuyển đổi.

Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Theo Thông báo số 167/TB-BTNMT ngày 25.11.2022 của Bộ TN&MT thì đây chỉ là cho mượn đất dựa vào thỏa thuận dân sự, hoàn toàn không nói đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nguồn gốc các bãi đổ thải được sử dụng để phục vụ trong thời gian thực hiện dự án cơ bản là đất rừng, đất nông nghiệp; đã đổ thải xuống rồi thì không thể di dời các thứ đã đổ xuống đi nơi khác và đặc biệt vùng đất ấy không thể sử dụng canh tác, sản xuất được nữa! Do đó, để đảm bảo làm đúng pháp luật, cả huyện và tỉnh đã nhiều lần đề nghị Ban Quản lý dự án 85 làm việc với Bộ GTVT, Bộ TN&MT xem xét hướng dẫn, xử lý nhưng đến nay vẫn còn phải chờ.

Theo Báo Bình Định

TIN TỨC KHÁC